Thuở xưa, các sĩ tử lúc hàn vi, ăn với thầy bữa cơm đạm bạc nước mắm dưa cà, khi đỗ đạt vẫn về ngồi với thầy mâm cơm cũ. Những người chồng, người con đi làm xa, chỉ mong được về quây quần trong căn bếp ấm cúng, dù ăn cơm với nước mắm cũng ngon.
Mắm chanh tỏi đơn giản là vậy, nhưng để pha ngon không hề dễ. Hầu hết mọi người đều có thể tạo ra một chén mắm chanh hợp vị. Nhưng để khiến người khác phải xuýt xoa, trở thành món tủ, thì cần có phải có… “chiếc lưỡi thần sầu”. Chuyện này thì đôi khi nhiều bà vợ cũng phải chào thua… các đấng ông chồng nhờ ngón nghề pha nước mắm chấm món nhắm thần sầu.
Trông thì đơn giản lắm. Cách pha cũng chẳng có gì đặc biệt. Vậy mà mình pha hoài cũng chẳng ngon bằng ổng”. Chị Thu Lan, một nội trợ ở TP.HCM, lắc đầu nói. Chị còn nói vui là có vài người được “thần nước mắm” chọn, thậm chí pha bừa cũng ngon. Tất nhiên, vẫn có những cách khác để có một chén mắm chanh hợp vị, ngon lành. Có một dạo các bà nội trợ chuyền tay nhau “tỉ lệ vàng” các thành phần trong chén mắm chanh, để cho ra chất lượng tốt nhất. Kết quả có vẻ khả quan hơn!
Dù vậy, một trong những điều tuyệt nhất của gia vị chấm này là tính tùy biến. Mỗi người đều có thể tự tìm tòi, sáng tạo, để cho ra đời những bí quyết riêng, không ai giống ai. Thỉnh thoảng, trên các diễn đàn, lại có một ai đó chia sẻ một lối pha mắm chanh mới, với các nguyên liệu mới, từ muối, me, dứa (thơm), vỏ quất… được nhiều người tìm đọc và làm theo.
Nhưng pha theo cách nào đi nữa, điều cốt yếu nhất để có một chén mắm chanh tỏi ớt tuyệt vời vẫn là ở thành phần cơ bản nhất: Nước mắm. Hiện nay, trên thị trường có nhiều thương hiệu nước mắm khác nhau, từ công nghiệp đến truyền thống. Mỗi loại lại có những ưu, nhược và đặc điểm riêng, phù hợp với nhiều kiểu pha chế, các loại thức ăn khác nhau. Muốn biết loại nào hợp với món gì, chẳng có bí quyết nào hơn là sự tìm tòi và kinh nghiệm của các chị, các mẹ và tình yêu đối với bữa cơm gia đình.